Khăn voan gắn trên đầu của cô dâu có lẽ đã trở thành một phụ kiện quan trọng, không thể nào thiếu trong trang phục cưới. Trên thế giới cũng có nhiều phiên bản của loại khăn này, ví dụ như khăn che đầu của cô dâu Ấn Độ, khăn đỏ trùm đầu của Tân nương Trung Hoa. Vậy ý nghĩa của các loại khăn này là như thế nào, cùng khám phá nhé!
>>>> Xem thêm : Phong tục cưới hỏi Miền Bắc
Tượng trưng cho sự trinh tiết
Ở một số nền văn hóa, khăn che mặt được tượng trưng cho sự trong trắng của cô dâu. Chính bởi vậy chiếc khăn này được sử dụng trong việc “bảo vệ sự trong trắng” cho cô gái ấy.
Trong quá khứ, mỗi cô gái thường chỉ lấy chồng một lần, bởi vậy trong tất cả các đám cưới, cô dâu đều được đội khăn kín mặt. Chiếc khăn này chỉ được mở ra khi làm lễ, hoặc khi lễ đã hoàn thành, tùy vào từng nền văn hóa.
Tuy trong cuộc sống hiện đại, ý nghĩa này không còn đúng và sâu sắc nữa, nhưng đây vẫn là một phần trong văn hóa, thói quen và tập tục của nhiều quốc gia.
Thể hiện niềm tin vào chú rể
Ở các nơi theo đạo Thiên chúa giáo, trong lễ cưới thường có tục lệ là cha vợ sẽ dắt tay cô dâu và trao cho chú rể. Việc có một chiếc khăn che mặt biểu hiện cho sự tin tưởng vào đàn ông, tin tưởng rằng người mình sẽ lấy làm chồng là một người đàn ông tốt. Thông thường ở tôn giáo này, người ta chỉ sử dụng khăn vải voan mỏng với ý nghĩa tượng trưng bởi trước khi đi đến hôn lễ, hai người đã có những thủ tục tìm hiểu, học đạo,… cùng nhau.
Xua đuổi tà ma
Theo quan niệm của người xưa, những việc đại hỷ trong nhà thường phải thực hiện kèm những việc xua đuổi tà ma, để mang đến một sự kiện trọn vẹn và hoàn hảo. Cô dâu chính là trung tâm, là linh hồn của tiệc cưới nên lẽ dĩ nhiên, cô gái sẽ được bảo vệ bằng một chiếc khăn trùm đầu che kín mặt, và được đưa rước một cách trang trọng, đàng hoàng nhất có thể.
Tục lệ và ý nghĩa này khiến cho các cô dâu có cảm giác luôn được nâng niu, chở che và bảo vệ, càng làm tăng thêm ý nghĩa cho ngày đại hỷ của mình.
Nhắc nhở chú rể không yêu vì nhan sắc
Bên cạnh các ý nghĩa trên, còn có người cho rằng câu chuyện chiếc khăn đội đầu có ý nghĩa nhắc nhở chú rể không được yêu chỉ vì nhan sắc. Có lẽ ý nghĩa này xuất phát từ việc trong đám cưới thời xưa, các tân lang, tân nương thường không được biết mặt nhau cho đến khi làm xong lễ cưới.
Khăn voan đội đầu trong đám cưới Việt
Từ thời nước ta bị đô hộ bởi người phương Bắc, đám cưới nước ta cũng giống như người Hán, với khăn đỏ trùm đầu cô dâu. Về sau này, đám cưới được cô dâu che mặt bằng nón lá hoặc khăn vấn bởi vẫn giữ nguyên ý nghĩa về chiếc khăn kia.
Cho đến khi văn hóa phương Tây tràn về, đám cưới cũng được thay đổi đi ít nhiều, những chiếc áo đỏ thay bằng váy trắng lộng lẫy, cũng là lúc nón lá, khăn vấn được thay bằng khăn voan nhẹ nhàng, mộng mơ. Chính những chiếc khăn voan này được các nhà thiết kế hiện đại biến hóa thành rất nhiều phong cách khác nhau, và được sử dụng để đính lên đầu hoặc vương miện chứ không thường dùng để che mặt như trước nữa.
Đến bây giờ, khi ý nghĩa về những chiếc khăn không còn sâu sắc như trước, khi ngày càng nhiều loại phụ kiện như hoa cài, vương miện được sử dụng trong trang phục của cô dâu, nhưng những chiếc khăn voan này chưa khi nào bị bỏ quên.
Với những chiếc váy ngắn, độ bồng xòe ít, các cô dâu cũng có thể tận dụng vải voan trùm đầu để làm tăng thêm điểm nhấn cho bộ trang phục. Ngược lại với những bộ váy cầu kỳ, nhiều chi tiết, vải voan này thường được thiết kế tinh giản, gọn gàng và tiết chế lại.
Hi vọng qua bài viết này của Mimosa Wedding , các cô dâu và các bạn sẽ được hiểu thêm về ý nghĩa là một phụ kiện trong trang phục cô dâu. Chúc các bạn có một đám cưới hạnh phúc và viên mãn!