Hiện nay, bảo hiểm y tế được phủ sóng toàn quốc, tất cả mọi người dân đều tham gia nhằm hỗ trợ một phần chi phí khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Với vai trò to lớn như vậy thì liệu khi nghỉ việc tại các công ty, doanh nghiệp thì người lao động có phải trả lại thẻ bảo hiểm y tế không? Bài viết dưới đây của Luật sư X sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn. |
Căn cứ:
- Bộ luật lao động năm 2012;
- Luật bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014;
- Quyết định 595/QĐ – BHXH năm 2017 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.
Nội dung tư vấn:
1. Bảo hiểm y tế là gì?
Theo khoản 1 Điều 2 của Luật bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 có giải thích về bảo hiểm y tế như sau:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.
Như vậy, việc tham gia bảo hiểm y tế là bắt buộc với toàn dân nhằm bảo vệ sức khỏe của mọi người.
2. Nghỉ việc có phải thông báo trả lại thẻ bảo hiểm y tế không?
Căn cứ Điều 20 Luật bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định các trường hợp bị thu hồi và tạm giữ thẻ bảo hiểm y tế như sau:
Điều 20. Thu hồi, tạm giữ thẻ bảo hiểm y tế
1. Thẻ bảo hiểm y tế bị thu hồi trong trường hợp sau đây:
a) Gian lận trong việc cấp thẻ bảo hiểm y tế;
b) Người có tên trong thẻ bảo hiểm y tế không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế;
c) Cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế.
2. Thẻ bảo hiểm y tế bị tạm giữ trong trường hợp người đi khám bệnh, chữa bệnh sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác. Người có thẻ bảo hiểm y tế bị tạm giữ có trách nhiệm đến nhận lại thẻ và nộp phạt theo quy định của pháp luật.
Đồng thời căn cứ vào khoản 1 Điều 47 Quyết định 595/QĐ – BHXH có quy định như sau:
Điều 47. Quản lý dữ liệu, giá trị sử dụng thẻ BHYT
1. Dữ liệu thẻ BHYT được quản lý tập trung và liên thông với dữ liệu thu. Các cơ sở KCB khi tiếp nhận thẻ BHYT của bệnh nhân đến khám bệnh thực hiện tra cứu thông tin về dữ liệu thẻ BHYT trên cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT để xác định giá trị sử dụng của thẻ BHYT. Trên cơ sở kết quả tra cứu, cơ sở KCB BHYT thực hiện:
– Thanh toán chi phí KCB BHYT đối với các trường hợp người tham gia BHYT đang đóng BHYT và thẻ BHYT còn giá trị sử dụng.
– Không thanh toán chi phí KCB BHYT đối với các trường hợp người tham gia đã báo giảm đóng BHYT nhưng tại thời điểm KCB thẻ BHYT vẫn còn giá trị sử dụng.
Theo quy định trên, bạn không thuộc các trường hợp thẻ bị thu hồi và tạm ngừng hoạt động nhưng khi bạn nghỉ việc đồng nghĩa với việc người sử dụng lao động phải lập danh sách giảm số lượng người lao động trong doanh nghiệp để gửi cơ quan bảo hiểm xã hội. Trường hợp đơn vị lập danh sách báo giảm chậm thì phải đóng số tiền bảo hiểm y tế của các tháng báo giảm chậm và thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó. Đồng thời, không thu hồi thẻ bảo hiểm y tế của người lao động khi báo giảm. Khi đó, công ty bạn đã báo giảm đóng BHYT cho bạn; thì khi bạn đi khám chữa bệnh thì bạn sẽ không được thanh toán chi phí sau tháng mà công ty làm thủ tục báo giảm cho người lao động này.
Như vậy, trong trường hợp này, khi người lao động nghỉ việc ở công ty; thì công ty sẽ lập danh sách báo giảm đến cơ quan bảo hiểm xã hội. Khi đó, BHYT của bạn sẽ hết giá trị sử dụng từ ngày mùng 1 của tháng sau liền kề. Và khi nghỉ việc bạn không cần phải trả lại thẻ BHYT cho công ty.
Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn!