1. Mụn bọc là gì?
Mụn bọc còn gọi là mụn bọc mủ. Không giống các loại mụn thông thường, mụn bọc là kết quả của quá trình viêm nhiễm trên bề mặt da. Mụn hình thành khi lỗ chân lông bị bít tắc do bã nhờn, phấn trang điểm còn sót lại trên da, bụi bẩn tích tụ,… Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn Propionibacterium acnes phát triển, tấn công làn da, hình thành mụn bọc.
Mụn bọc dưới da dễ bị nhầm lẫn với mụn trứng cá. Tuy nhiên, mụn bọc có biểu hiện nặng hơn do khu vực lỗ chân lông bị mụn viêm nhiễm nặng, hình thành ổ khuẩn sâu. Mụn bọc có biểu hiện là nốt mụn sưng đỏ, xung quanh mụn cứng, vùng nhân mụn có dịch màu vàng hoặc trắng, mủ. Mụn bọc dễ bị tổn thương. Khi vô tình chạm tay vào hoặc nặn mụn sai cách có thể khiến mụn bị vỡ ra, gây viêm nhiễm các khu vực lân cận. Không chỉ vậy, khi chạm vào mụn thường rất đau đớn, nếu mụn vỡ dễ để lại vết thâm tồn tại lâu dài.
2. Các giai đoạn tiến triển của mụn bọc
Mụn bọc ở mũi, má hay cằm thường hình thành, tiến triển theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Mụn trứng cá trên da bị vi khuẩn tấn công, biến thành mụn bọc mủ. Các vết mụn nhỏ, chưa nhận biết rõ ràng
Giai đoạn 2: Mụn bắt đầu sưng to lên, hình thành nhân chứa dịch mủ màu trắng hoặc vàng. Lúc này, người bị mụn không nên chạm vào mụn vì có thể làm mụn bị chai, khó lành hơn
Giai đoạn 3: Mụn chín, vỡ ra, khi vỡ có thể kèm theo máu. Thời gian vết thâm mụn lành sẽ tùy thuộc vào loại da, mức độ sưng của mụn.
Mụn bọc còn gọi là mụn bọc mủ
3. Vì sao mụn bọc khó chữa?
Mụn bọc ở má, cằm, mũi hay bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể đều là loại mụn khó chữa. Điều này là do nguyên nhân gây mụn rất phức tạp và khó loại bỏ triệt để. Cụ thể như:
3.1 Chức năng bài tiết bị rối loạn
Hệ bài tiết bị rối loạn khiến gan và thận hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến cơ thể bị nhiễm độc. Để thay thế công việc của hệ bài tiết, cơ thể đẩy mạnh quá trình hoạt động của hệ nội tiết. Và hệ quả là chức năng tiết bã nhờn của nang lông bị ảnh hưởng, khiến da mặt luôn bóng nhờn, nhiều dầu. Lượng dầu quá nhiều không thoát hết ra khỏi lỗ chân lông gây bít tắc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành mụn. Kết hợp với việc vệ sinh da không sạch sẽ, mụn bọc ở cằm, má, mũi,… dễ dàng phát triển.
Việc điều trị mụn bọc trở nên khó khăn vì rất khó loại bỏ hoàn toàn được nguyên nhân này.
3.2 Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng không phù hợp
Chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học sẽ làm cơ thể rơi vào tình trạng stress. Từ đó, chức năng của thận và gan bị rối loạn, các bộ phận khác của cơ thể từ đó cũng bị rối loạn theo. Vì thế, việc ăn những thực phẩm không lành mạnh, thời gian làm việc, nghỉ ngơi không hợp lý,… là nguyên nhân gây mụn bọc. Ngoài ra, nếu tình trạng này kéo dài thì có thể làm ảnh hưởng tới hệ nội tiết, thậm chí gây nhiễm độc gan.
Nếu mụn bọc hình thành do nguyên nhân này, việc điều trị mụn sẽ rất khó khăn. Người bệnh buộc phải thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt theo hướng khoa học thì mới có thể trị mụn triệt để. Và nếu tiếp tục sinh hoạt không lành mạnh thì mụn bọc cũng dễ dàng tái phát.
Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng không phù hợp là một trong số các nguyên nhân gây ra mụn bọc
3.3 Do nguyên nhân di truyền
Yếu tố di truyền cũng là nguyên nhân gây mụn bọc ở một số người. Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra yếu tố quyết định tới tình trạng di truyền mụn bọc. Vậy nên, sẽ không có biện pháp điều trị triệt để mụn bọc nếu do nguyên nhân di truyền.
Tuy nhiên, các trường hợp mắc mụn bọc do ảnh hưởng từ yếu tố di truyền thường sẽ tự hết mụn khi đến một thời điểm nhất định.
3.4 Đặc trưng của mụn bọc
Mụn bọc không phải là loại mụn thông thường mà là các nốt sần hình thành sâu dưới lỗ chân lông nên không thể điều trị đơn giản bằng thuốc trị mụn thông thường. Việc điều trị mụn bọc sẽ cần sử dụng các loại dược phẩm chuyên biệt, được bác sĩ chuyên khoa da liễu chỉ định tùy trường hợp cụ thể. Bệnh nhân có thể dùng thuốc bôi trực tiếp lên vết mụn hoặc dùng kháng sinh đường uống,… Người bệnh phải kiên trì để điều trị thành công.
Bệnh nhân có thể điều trị bằng cách bôi thuốc trực tiếp lên miệng vết thương hoặc dùng kháng sinh đường uống
Nếu chủ quan trong việc điều trị, mụn bọc có thể lan ra khắp vùng mặt, khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, bệnh nhân cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị, đồng thời kiên trì thực hiện theo đúng phác đồ.
Thực tế có rất nhiều nguyên nhân gây nên mụn bọc, để tình trạng mụn thuyên giảm trước tiên chúng ta nên chủ động thay đổi chế độ ăn uống, lối sống và nên đến bệnh viện thăm khám để có hướng điều trị kịp thời. Bởi việc điều trị sớm không chỉ giúp mang đến hiệu quả cao mà còn rút ngắn thời gian và hạn chế gây nên những tổn thương trên da.