Mua đồ ít lại nhưng ‘chất’ để tự tin khi mặc, mặc hoài không chán. Đó cũng là cách bảo vệ môi trường sống và ‘túi tiền’ của mình mỗi khi vào đợt ‘sale khủng’.
Cách phân loại đồ cũ
Tôi thường chọn hai mùa sale lớn nhất trong năm để làm một cuộc “wardrobe detox” (làm mới tủ quần áo). Trước mỗi mùa sale, tôi mở tủ quần áo ra ngắm nghía một lượt, lựa chọn những món đồ (1) không bao giờ đụng đến, (2) mặc quá nhiều và bắt đầu chán, (3) chất liệu bình thường rồi mang lên trang bán hàng second hand để đó ai muốn mua với giá rẻ thì mua.
Những món đồ cũ, lỗi mốt và không còn mới, tôi gom lại mang ra những thùng phân loại đồ cũ của địa phương.
Nơi tôi ở xung quanh các siêu thị và công viên của khu dân cư thường được đặt các thùng phân loại đồ dùng cũ bao gồm chai lọ, quần áo cũ và giấy. Đây không phải là thùng rác các bạn ạ! Đồ đạc trong đó sẽ được người ta phân loại đem đi tái chế hoặc làm từ thiện. Ngay cả pin sau khi xài xong, tôi cũng gom lại rồi mang ra bỏ vào một chiếc hộp ngay trong siêu thị mình hay đi – trên đó họ ghi “vì môi trường bạn hãy mang pin không dùng nữa bỏ vào đây thay vì vứt vào thùng rác chung nhé!”.
Cách chọn đồ tiết kiệm, hợp lý trong mùa sale
Sau khi bỏ đi kha khá những món đồ cũ, tôi bắt đầu xác định lại phong cách riêng. Với những ai mua sắm phải tính toán như tôi, mùa sale chính là lúc bản thân thay đổi phong cách và thay đổi luôn cả chất lượng tủ quần áo.
Cứ mỗi mùa qua đi, tủ quần áo của tôi lại chất hơn. Các món đồ dần dần được chọn lựa kỹ càng, giá sẽ cao hơn nhiều so với một hai năm trước từng mua, nhưng điều đó thể hiện sự không ngừng nỗ lực trong sự nghiệp, thu nhận kiến thức và cách quản lý tiền bạc, thu chi trong gia đình.
Tôi không còn quan tâm và mua thật nhiều những món đồ ít mang tính bền vững. Bạn biết không? Cách tốt nhất để chúng ta giữ gìn môi trường sống chính là mua đồ ít lại nhưng chất lượng cao hơn. Để khi bạn sử dụng món đồ ấy, bạn cảm thấy thích thú lúc sờ vào chất liệu, cảm nhận độ thư giãn, thoải mái, tự tin khi mặc và thế là bạn cứ muốn giữ chúng hoài vì mặc hoài không chán.
Năm nay tôi sẽ mua đồ sale như thế nào?
Đầu tiên, tôi bắt đầu nhắm đến kiểu dáng, chất liệu thể hiện sự thanh lịch của người phụ nữ. Dáng quần suông có điểm nhấn các đường line, áo có điểm nhấn riêng nơi tay áo hay màu sắc lạ có thể phối hợp với nhiều loại trang phục khác nhau mà không hề chán.
Thứ hai, do tính chất công việc, tôi thường hay đi ngắm đồ ở store và cả online. Đôi lúc tìm thấy rất nhiều chiếc quần, chiếc áo hay ho. Mình cứ mặc thử ở store, rồi về nhấn nút bỏ vào giỏ nhưng chưa tính tiền vội. Đây cũng là cách giúp bạn nghĩ lại mình có thực sự muốn mua món đồ đó không. Nếu sau một, hai tuần bạn đi qua store đó hay trên website mà vẫn không tài nào thoát khỏi sự yêu thích món đồ ấy thì ok. Bạn hãy quyết định có mua full giá (-giá gốc) không.
Thứ ba, thu thập và theo dõi thật nhiều icon thời trang mà bạn thấy đẹp, thấy thích thú và cảm giác xem hoài không chán. Bằng cách này khi bạn mua đồ thời trang, bạn sẽ dễ dàng quyết định mình có muốn thử phong cách này hay không.
Thứ tư, đăng ký nhận email của những nhãn hàng yêu thích. Để làm gì? Vào mùa sale, bạn chính là người được nhận link VIP sale đầu tiên để mua những món hời đẹp mắt đầu tiên. Năm nay tôi rất ưng ý khi các brand thời trang yêu thích họ tung ra sale 50% thẳng trên những món hàng mà mình từng bỏ vào cart (giỏ hàng). Thế là tôi không phải mua chúng full giá như ban đầu, lúc cơn nghiện chúng vừa chớm nở. Việc mua nửa giá một món hàng yêu thích sẽ đem lại cho bạn một cảm giác rất vui.
Thứ năm, trước mùa sale bạn có thể cân nhắc tất cả khoản chi dự phòng. Khoản nào có thể giảm xuống (chẳng hạn chi phí ăn uống bên ngoài, hay giải trí cuối tuần) để dành cho một khoản mua sắm mùa sale. Gia đình tôi trong năm ít mua sắm quần áo lắm. Nếu cần thiết tự thưởng, mình thường chọn mid-season sale (giảm giá giữa mùa) để mua một cái váy hay một bộ đồ giảm khoảng 30% thôi nhưng xứng đáng vì đồ tốt và chất lượng. Còn lại sẽ để mùa giảm giá hè hay đông sẽ bỏ ra một khoản để làm mới phong cách cho cả nhà.
Thứ sáu, nhức nhối nhất vẫn là tiêu tiền vào bộ quần áo nào. Người dùng ở châu Âu được luật bảo vệ người tiêu dùng ưu tiên cho việc đổi trả hàng trong vòng 1-2 tháng. Thế nên bạn nào ở châu Âu sẽ rất được lợi khi mua sắm quần áo. Bạn cứ mua nhanh những món mình thích khi còn size. Về thử xong thấy không đẹp, không hợp gửi trả lại. Đó là một cách giúp bạn vừa thoả mãn việc mua sắm, vừa chọn được món đồ thực sự hợp ý chứ không chỉ mua xong về để đó không bao giờ mặc đến vì phát hiện không còn thích nữa.
Trên đây chỉ là quan điểm cá nhân và cách chi tiêu, lựa chọn cá nhân. Chị em và các bạn thường mua sắm theo tiêu chí nào? Làm sao để tiêu tiền hợp lý trong mua sắm quần áo? Hãy chia sẻ cùng nhau nhé!
Molly Thanh Hằng