Những thương hiệu thời trang nhanh nổi tiếng thế giới đã gây ra tác động lớn đến môi trường sống mà không phải ai cũng biết.
Thời trang nhanh là thuật ngữ đương đại được sử dụng như một hiện tượng trong ngành công nghiệp thời trang, ở đó quá trình sản xuất được đẩy nhanh để mang đến những xu hướng mới trên thị trường đáp ứng nhu cầu của người dùng với mức giá rẻ nhất có thể.
Vì vậy, khi các hãng ra đời với mô hình thời trang nhanh đã tạo cho người tiêu dùng thói quen thích mua quần áo rẻ nhưng vẫn bắt kịp xu hướng. Theo đó, người dùng cũng quên đi việc phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm và sức ảnh hưởng môi trường từ quần áo.
Khi lượng tiêu thụ quá mức dẫn đến những hậu quả nghiệm trọng cho môi trường, cả về nguồn lực cần thiết để tạo ra sản xuất và gia tăng chất thải trong việc nhuộm màu trang phục.
Bạn có biết ngành dệt may là một trong những ngành đóng góp lớn nhất vào việc gây ô nhiễm trên thế giới? Công nghiệp dệt may chiếm khoảng 3% lượng CO2 sản xuất toàn cầu, toàn bộ quá trình sản xuất và tiêu thụ (từ sản xuất đến bảo dưỡng, sấy khô và ủi) đã tạo ra lượng khí thải CO2 rất lớn vào khí quyển, ảnh hưởng đến không khí.
Vấn đề chính trong ngành thời trang là các thương hiệu sử dụng nguyên liệu polyester trong sản xuất quần áo thay vì nguyên liệu tự nhiên, ít gây ô nhiễm như bông. Ngày nay, hàng may mặc của các hãng thời trang nhanh bao gồm 60% polyester, bởi polyester có giá rẻ và có sẵn với số lượng lớn hơn, nhưng lượng ô nhiễm khí thải do sản xuất polyester lại cao gấp 3 lần so với bông.
Quần áo được làm từ vải polyester cũng có thể gây ô nhiễm sông và biển khi chúng giặt trong máy giặt và thải ra một lượng nhựa lớn. Quá trình phân rã của các chất ô nhiễm này phải mất hàng thập kỷ. Bên cách đó, sự tích tụ các chất gây ô nhiễm trong nước sẽ gây hại nghiêm trọng đến môi trường biển.
Các hãng thời trang nhanh mọc lên như nấm và tâm lý người tiêu dùng cũng muốn sở hữu hàng mới, chẳng thể giữ được quần áo thời gian dài. Có cung ắt hẳn phải có cầu, vì vậy, nhiều nhà bán lẻ đã ra sức sản xuất, gia tăng lượng chất thải dệt may ảnh hưởng tới môi trường sống.
Chưa kể việc xử lý chất thải và hàng tồn kho khi không bán hết cũng không được các hãng chú trọng. Hầu như quần áo mùa cũ đều được thải ra bãi chôn lấp hoặc lò đốt mà những chất thải này rất khó phân hủy, đồng nghĩa dẫn tới việc môi trường bị tàn phá nặng nề mà chẳng cả người bán lẫn người mua đều không quan tâm.
Đứng ở vị trí người tiêu dùng, chúng ta nên làm thế nào để hạn chế những tác hại của thời trang nhanh tới môi trường?
Việc chọn một loại vải thân thiện với môi trường là rất khó vì mỗi loại đều có ưu và khuyết điểm riêng. Vì vậy, lời khuyên tốt nhất chính là việc tái chế, điều này làm giảm áp lực lên các nguồn nguyên liệu và giải quyết vấn đề ngày càng tăng về quản lý chất thải.
Ngoài ra, người tiêu dùng nên giữ quần áo lâu hơn, hạn chế việc mua sắm hàng mới như vậy cũng đã góp phần bảo vệ môi trường.
Dương Dương